Kính thưa các thầy cô giáo, các em học sinh trong toàn trường thân mến!
Mọi người đều biết rằng, người Việt Nam chúng ta rất thiết tha với lịch sử đất nước, với những kì tích của cha ông. Khi sách vở chưa có, thì người dân chúng ta ở khắp nơi vẫn truyền tụng nhau những câu chuyện trong dã sử. Những gương sáng của tiền nhân. Ngay cả những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao, rồi những chuyện thánh thần ở đền này, miếu nọ lịch sử thường để lại những dấu hiệu thực hư, người ta dẫu biết là huyền tích xa xôi, nhưng có kẻ vẫn tin như là chuyện thực lịch sử. Sau này, do ảnh hưởng của văn hoá giáo dục Trung Quốc chúng ta mới chính thức làm quen với lịch sử, trước tiên là theo kiểu quan phương. Nhà nước có thành lập Quốc sử quán, các sử thần được trọng dụng rồi những bộ sử chính thức ra đời.
Việc ham thích chuyện sử, chuyện chí này, có thể nói là phổ biến toàn dân, tuỳ theo hoàn cảnh mà có tầm rộng hẹp khác nhau. Có thể nói, với người Việt, chuyện ham thích lịch sử là phổ cập và cũng có truyền thống rõ ràng.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay tôi xin chân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo, các em học sinh cuốn sách “Việt Nam sử lược” do nhà xuất bản Văn học ấn hành và lưu chiểu năm 2018.
Với độ dày 699 trang, khổ sách 16 x 24 cm do tác giả Trần Trọng Kim sưu tầm và tuyển chọn.
Với hình nền màu vàng nổi lên dòng chữ “Việt Nam sử lược” màu nâu thu hút bạn đọc tìm đến nội dung cuốn sách.
Cuốn sách bao gồm 5 quyển.
- Quyển I: Thượng cổ thời đại.
- Quyển II: Bắc thuộc thời đại.
- Quyển III: Tự chủ thời đại (Thời kỳ thống nhất).
- Quyển IV: Tự chủ thời đại (Thời kỳ Nam Bắc phân tranh 1528 – 1802).
- Quyển V: Cận kim thời đại.
Tác phẩm này là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc). Nó là cuốn sách sử Việt đầu tiên thoát khỏi truyền thống viết sử theo lối biên niên, cương mục, ngôn từ khó hiểu của sách sử Việt thời phong kiến, nên được giới bình dân đón nhận do ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.
Sử là sách không những là chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này…
Ở tập sách Việt Nam sử lược này Trần Trọng Kim đã rất khéo léo sắp xếp việc phân kì làm sao cho tiện với trí nhớ phổ thông mà không gây ảnh hưởng gì đến các vấn đề quan điểm lập trường của người viết cũng như người đọc. Ông không theo cách sắp xếp của các sử gia cũ, chia theo kiểu Tiền biên, Chính biên. Ông cũng căn cứ vào các triều đại, nhưng lại không gây cảm tưởng về sự khẳng định những vương triều.
Mọi việc võ công, văn trị, sự học hành, trạm dịch, binh chế, thuế khoá, sưu dịch quan lại… đều được điểm đến rất gọn gàng mà đầy đủ, làm sáng rõ được tình hình. Văn phong của các nhà sử học rất điềm tĩnh, nhẹ nhàng, cần cân nhắc, cần gay gắt hay thiết tha hơn đều thấy rất rõ. So sánh với cách phản ánh của các sử gia chính thống ta thấy Trần Trọng Kim tỏ ra toàn diện mà lại thấu đáo hơn. Không nên quên rằng những điều ông viết đây là thu lượm ở cả một kho tàng rành mạch có mà phức tạp cũng có.
Tròn 100 năm, 1 thế kỷ đã trôi qua “Việt Nam sử lược” vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay – một công trình nghiên cứu cần có trong tủ sách của mọi người Việt.
Kính mong các thầy cô giáo, các em học sinh đến thư viện nhà trường tìm đọc!